Biến khó khăn thành lợi thế
Xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang) nằm chót vót trên đỉnh núi cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Nếu từ thành phố Tuyên Quang lên xã Hồng Thái khoảng cách sẽ là 160 km, còn từ Hà Nội lên thì con số này sẽ là gấp đôi. Những năm trước dù cảnh quan nơi đây khá đẹp khí hậu trong lành, nhưng do đường giao thông đi lại khó khăn, vùng đất này bị “ngủ quên”.
Lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Hồng Thái cách đây 5 năm, tôi vẫn ấn tượng với lời bộc bạch thật tâm của anh Lý Văn Đềnh, chủ hộ trồng nhiều rau, trồng nhiều chè ở Hồng Thái: “Rau, chè ở đây người dân không có tiền nên không được “ăn” thuốc sâu. Nếu bỏ vài chục đến cả trăm nghìn mua thuốc trừ sâu thì gần như là lỗ vốn, bởi khó tiêu thụ, không có người mua, người dân trồng rau tự cung tự cấp là chủ yếu”.
Tìm hiểu thực tế, những cán bộ xã ở Hồng Thái thừa nhận rằng, những câu nói của anh Đềnh là đúng. Bởi có những vụ lê, vụ chè, nhất là khi gặp trời mưa, con đường đất xuống núi trơn như bôi mỡ lại sạt lở liên miên nên người dân chẳng thể xuống chợ bán nông sản. Vì thế cả tấn lê đành bỏ thối đầy gốc; cả tạ chè xanh đành phải cho vào lò quay vội để uống dần.
Thế nhưng chính cái lạc hậu trong canh tác, nên khi có đường thông thoáng, đi lại thuận tiện lại trở thành lợi thế để xã Hồng Thái phát triển kinh tế nông nghiệp sạch theo hướng hàng hóa. Bởi tập quán canh tác ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khiến đồng đất ở Hồng Thái có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất thấp, thổ nhưỡng ở đây hầu như khá “sạch”.
Cũng vì lý do này nên khi ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang và chính quyền huyện Na Hang triển khai các dự án làm nông sản sạch (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ tại xã được triển khai rất nhanh và thành công. Nhiều sản phẩm nông nghiệp ở Hồng Thái như lê, dâu tây, rau cải cay… đã được đi vào các siêu thị trong và ngoài tỉnh, trong đó có siêu thị Vinmart Tuyên Quang và đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đặc biệt tháng 3/2020, xã có 21 ha chè được công nhận đạt chuẩn hữu cơ; sản phẩm chè shan tuyết của vùng đất này đã đến tay của Thủ tướng Malaysia.
Gia đình ông Bàn Văn Hồng thôn Khau Tràng trồng 1.000 m2 bí thơm Bắc Kạn, 30 gốc lê. 2 mô hình trồng bí và lê ông đều thực hiện theo chuẩn VietGAP. Ông Hồng cho biết, năm nay được mùa bí, mùa lê. Với hơn 1.000m2 bí thơm, ông thu được 1 tấn quả, giá 10 đến 15.000 đồng/kg, tư thương đến tận nơi thu mua, nhiều khi khách du lịch đến tận vườn thu hái. Với 30 gốc lê, trung bình mỗi gốc cho gần 1 tạ quả, giá đạt 15.000 đồng/kg. Từ nông sản sạch, mỗi năm gia đình ông Hồng lãi gần 60 triệu đồng, do đó đã đẩy lùi được cái nghèo.