5 năm trở lại đây, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, song lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch của tỉnh Bắc Kạn vẫn phát triển ổn định; tỷ trọng khu vực dịch vụ đến năm 2020 tăng 3,9% so với năm 2015.
Giai đoạn 2015-2020, khu vực dịch vụ của Bắc Kạn tăng trưởng bình quân 6,3%/năm. Trên địa bàn tỉnh, hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các cơ sở kinh doanh tiếp tục được xây dựng và ngày càng hoàn thiện; thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng; các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ, cơ bản đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng hằng năm tăng bình quân 7,72%, đến năm 2020 đạt trên 6.140 tỷ đồng; lạm phát được kiểm soát, chỉ số tăng giá tiêu dùng CPI trên địa bàn tỉnh ổn định dưới 4%.
Ảnh: Khách hàng thanh toán tại Siêu thị VinMart thành phố Bắc Kạn
Dịch vụ tài chính tiền tệ, hoạt động ngân hàng có hiệu quả, bảo đảm nguồn tín dụng cho phát triển sản xuất. Tổng huy động vốn bình quân tăng 16,01%/năm, đến năm 2020 đạt 8.068 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng bình quân tăng 7,8%/năm, đến năm 2020 đạt 10.390 tỷ đồng. Dư nợ xấu hằng năm dưới 3% tổng dư nợ.
Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm được quan tâm chỉ đạo. Tỉnh đã tích cực hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là mở rộng thị trường cho nông sản. Nhiều sản phẩm của tỉnh đã được kết nối với các cửa hàng, siêu thị, đơn vị phân phối tại các trung tâm thành phố lớn.
Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều biến động lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến năm 2020 ước đạt 10 triệu USD, trong đó xuất khẩu tăng bình quân 67,29%/năm. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là tinh quặng chì, than củi, gỗ ván dán, bột đá cacbonat, mơ tươi đã qua sơ chế… Sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, phục vụ sản xuất chế biến sâu khoáng sản và nông, lâm sản.
Công tác xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch được quan tâm. Hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành đã mở nhiều tour, tuyến du lịch liên vùng kết nối đến các điểm du lịch của Bắc Kạn như ATK Chợ Đồn, hồ Ba Bể. Giai đoạn 2015-2020, số khách du lịch đến Bắc Kạn bình quân hằng năm tăng 7,9%; doanh thu ngành du lịch tăng 76% so với giai đoạn 2011-2015.
Tuy nhiên, so với với tiềm năng, thế mạnh thì ngành dịch vụ của tỉnh phát triển chưa thực sự tương xứng, chưa tạo ra những bước đột phá. Các hoạt động thương mại truyền thống chưa bắt kịp sự phát triển của thương mại điện tử, thương mại số hóa. Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị trấn, ở nông thôn, miền núi. Mạng lưới chợ còn thưa thớt. Hệ thống chợ, siêu thị chủ yếu thiên về chức năng bán lẻ và đa số có quy mô nhỏ. Nguồn vốn đầu tư phát triển chợ còn chưa thỏa đáng, cơ chế phân bổ chưa hợp lý trong khi thực hiện chủ trương xã hội hoá đầu tư phát triển hạ tầng thương mại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở địa bàn nông thôn, miền núi. Hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng…
Để thực hiện mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025, Bắc Kạn xác định trong 5 năm tiếp theo, phát triển thương mại – dịch vụ, du lịch theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, phục vụ tốt hơn sản xuất và đời sống Nhân dân.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm sản và sản phẩm công nghiệp của tỉnh. Kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư, từng bước phát triển hệ thống siêu thị, kênh phân phối hiện đại tại trung tâm huyện và các thị trấn, thị tứ. Tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển du lịch hồ Ba Bể gắn với các tour, tuyến liên kết với các điểm du lịch văn hóa – lịch sử khác trên địa bàn tỉnh. Khai thác, phát triển thêm các điểm du lịch hang động, du lịch mạo hiểm, sản phẩm lưu niệm và du lịch gắn với văn hóa cộng đồng dân cư địa phương, đồng thời có chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, hệ thống khách sạn, nhà hàng, các khu nghỉ dưỡng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương…/.