Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cho rằng giá thành nông sản cao một phần vì đường bộ chiếm tỷ trọng vận tải đến 90%.
Tại Tọa đàm “Chi phí logistics cho nông sản Việt – thách thức cạnh tranh trên thị trường quốc tế” mới diễn ra, dưới góc nhìn của một doanh nghiệp logistics lâu năm trên thị trường, ông Trần Đức Nghĩa đưa ra nhiều con số đáng nghĩ.
Theo ông, Việt Nam có hàng loạt vấn đề về logistics chứ không riêng gì ngành nông nghiệp. Dẫn số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải, thị phần vận tải đường bộ chiếm 78%, đường thuỷ 18% còn lại là đường sắt và đường biển.
Trong khi đầu tư của toàn xã hội cho hạ tầng giao thông đường bộ chiếm 90%, đường thủy, đường không và đường sắt chỉ 10%.Vận tải đường bộ có chi phí khá cao cũng vì lẽ này.
Ông dẫn chứng, để một xe đầu kéo container chạy từ Hà Nội vào TP HCM và ngược lại sẽ tốn chi phí lương, dầu, phí cầu đường… khoảng 43 triệu đồng, phí hao mòn lốp dọc đường khoảng 8 triệu đồng, tổng là hơn 50 triệu. “Vì vậy đừng đặt mục tiêu giảm chi phí vận tải mà nên làm sao để vận tải hiệu quả hơn”, ông Nghĩa nói.
Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp logistics, theo ông Nghĩa giải pháp để giảm tỷ trọng logistics trong chuỗi cung cung ứng nông sản là tăng khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải. Hiệu quả của vận tải đường thuỷ gấp 200 lần đường bộ và chi phí vận hành cũng ít hơn. Một container chỉ mất 10 USD từ Bắc vào Nam. Nếu giảm tỷ trọng đường bộ xuống thì bức tranh logistics sẽ khác.
“Ở một số quốc gia chi phí logistics thấp, hoạt động hiệu quả, bởi họ có 10-20% lượng xe trọng tải dưới 5 tấn. Còn ở Việt Nam, xe tải dưới 5 tấn là 80%. Điều này cho thấy, ngay trong hoạt động vận tải đường bộ ở Việt Nam cũng thiếu hiệu quả”, ông nói.
Logistic là không thể thiếu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Song đây cũng công đoạn còn nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị của nông sản. Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng – Chủ tịch HĐQT Công ty Nông trại hữu cơ Việt Nam đồng tình quan điểm Việt Nam hiện nay quá phụ thuộc vào vận chuyển đường bộ, trong khi đường thuỷ, đường biển rất tiềm năng, chi phí rẻ.
Theo bà Hằng, có thể khai thác tốt những loại hình mới này sẽ giúp nông sản giảm giá thành, người nông dân và doanh nghiệp bớt lo “được mùa thì mất giá, mà được giá thì mất mùa”.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết EVFTA có hiệu lực từ 1/8 là một bước đệm cho nông sản Việt Nam. Trong chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ có đề cập đến vấn đề giảm chi phí logistics, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nông sản có thể đủ tin tưởng thuê dịch vụ ngoài. Theo vị đại diện để giải quyết mất cân đối giữa các phương thức vận tải, Việt Nam cần đầu tư về hạ tầng nhằm giảm chi phí vận tải.