Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa vùng Đông Bắc Việt Nam, thuộc Vùng du lịch Trung du Miền núi Bắc Bộ; phía Đông giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Nam giáp tỉnh Thái Nguyên, phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng. Diện tích tự nhiên 4.859 km², dân số trên 308.000 người. Nằm trên trục Quốc lộ 3 theo hướng Bắc – Nam và Quốc lộ 279 theo hướng Đông – Tây (2 trục giao thông quan trọng của Vùng Trung du Miền núi Bắc Bộ), Bắc Kạn có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng, là điều kiện thuận lợi để Bắc Kạn giao lưu với các tỉnh trong vùng, cũng như với cả nước và quốc tế trong phát triển du lịch.
1. Hạ tầng du lịch * Công tác quy hoạch Các Quy hoạch du lịch đã được UBND tỉnh phê duyệt cho từng thời kỳ: – Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Bắc Kạn giai đoạn 1998 – 2010.- Quy hoạch chung phát triển khu du lịch hồ Ba Bể đến năm 2020. – Quy hoạch chi tiết các điểm du lịch nằm trong VQG Ba Bể: Khu ngã ba sông Năng – Hồ Ba Bể; Bảm Cám; Trung tâm hành chính VQG Ba Bể. – Quy hoạch xây dựng khu du lịch Ba Bể đến năm 2030. – Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang giao Tổng cục Du lịch (trực tiếp là Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch) triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030. * Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch đã từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng. Các khu, điểm tham quan du lịch đang hoạt động đều được đầu tư xây dựng, nâng cấp, như: Cải tạo nâng cấp đường tỉnh lộ 258; đường vào động Nàng Tiên (Na Rỳ); đường nối khu du lịch Ba Bể với khu du lịch sinh thái Na Hang (Tuyên Quang); Các tuyến đường đi bộ trong Vườn Quốc gia Ba Bể; san mặt bằng xây dựng bến thuyền, nhà chờ thuyền, bãi đỗ xe tại khu trung tâm đón tiếp Buốc Lốm; bến thuyền Tà Kèn… Điện lưới quốc gia và phủ sóng thông tin liên lạc. * Cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ du lịch Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có: 198 cơ sở lưu trú du lịch với 1.781 phòng (Trong đó: 23 khách sạn, 175 nhà nghỉ du lịch và nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê). Khoảng 40 nhà hàng ăn uống (Có từ 50 chỗ ngồi trở lên). 195 xuồng vận chuyển khách tham quan hồ Ba Bể. Gần 40 cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe (tắm thuốc, xông hơi, massage, Karaoke…). * Nguồn nhân lực lao động- Lực lượng lao động ngành du lịch: Tổng số lao động trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh có 667 lao động, trong đó: Trình độ đại học: 86; Cao đẳng: 27; Trung cấp: 65, số còn lại chưa qua đào tạo cơ bản, chủ yếu là tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch ngắn hạn (Số liệu thống kê năm 2016).– Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực: Việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành du lịch của tỉnh từ trước đến nay chủ yếu là tranh thủ sự hỗi trợ của các dự án như dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, dự án Quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông lâm tỉnh Bắc Kạn để tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý, buồng bàn, bar, bếp, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, lái xuồng… cho lực lượng lao động trong ngành. 2. Sản phẩm du lịch Ngành du lịch Bắc Kạn cũng đã quan tâm đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng… Song song với việc đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, các dự án đầu tư chủ yếu tập trung vào việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; khai thác chương trình du lịch về nguồn, về các điểm di tích lịch sử – cách mạng như ATK Chợ Đồn, đèo Giàng, Phủ Thông…Phục dựng và bảo tồn một số lễ hội, nghề truyền thống và những di sản văn hóa phi vật thể khác; tăng cường xây dựng các tuyến, điểm du lịch, trong đó có tuyến du lịch liên vùng, phối hợp với 6 tỉnh Việt Bắc mở rộng xây dựng các tuyến du lịch liên kết giữa các tỉnh theo các hành trình Hà Nội – Bắc Kạn liên kết với các tỉnh Việt Bắc, Bắc Kạn với các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc… Hiện nay, Bắc Kạn đã đầu tư khai thác và phát triển một số loại sản phẩm du lịch chính như sau: – Du lịch sinh thái:Ở Bắc Kạn có nhiều các danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp như: Vườn Quốc gia Ba Bể đã được công nhận là Vườn di sản ASEAN, Khu RAMSA thứ 1.938 của thế giới và khu RAMSA thứ 3 của Việt Nam. Hồ Ba Bể, danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng được công nhận di tích lịch sử văn hóa Quốc gia (năm 1996), được công nhận là di tích danh thắng Quốc gia đặc biệt (năm 2012). Ngoài ra, còn có các thắng cảnh như động Hua Mạ, hang Thẳm Làng, khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, khu rừng nguyên sinh Nà Noọc, động Áng Toòng … Với những cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, hoang sơ và cấu tạo địa chất độc đáo, với các hệ sinh thái đa dạng… Là những yếu tố cầu thành sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo và tiêu biểu cho du lịch Bắc Kạn. – Du lịch văn hóa lịch sử, du lịch về nguồn: Bắc Kạn có nhiều di tích văn hóa lịch sử, cách mạng. Đây là cơ sở quan trọng để phát triển du lịch du lịch văn hóa lịch sử, du lịch về nguồn. Là cái nôi của cách mạng Việt Nam trong kháng chiến; là nơi mà Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ chọn làm căn cứ cách mạng…Chiến khu ATK Chợ Đồn đã và đang được Bắc Kạn khai thác, tổ chức các chương trình về nguồn để giáo dục cho các thế hệ trẻ về lòng yêu yêu nước của dân tộc. – Du lịch văn hóa tâm linh: Gắn với lịch sử phát triển của địa phương, hiện nay ở Bắc Kạn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, nhiều lễ hội truyền thống…, mà tiêu biểu là hệ thống các đền, chùa (đền Thắm, đền An Mã, đền Thác Giềng, đền Mẫu, đền Cô, chùa Thạch Long, chùa Phố Cũ, chùa Thẳm Thinh…); lễ hội Lồng Tồng, lễ hội xuân Ba Bể… Đây là những giá trị văn hóa tâm linh tiêu biểu đang được ngành du lịch Bắc Kạn khai thác xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch. – Du lịch cộng đồng:Là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc sinh sống, Bắc Kạn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng gắn với đời sống của đồng bào các dân tộc miền núi. Hiện nay, một số bản làng đang tổ chức rất hiệu quả các sản phẩm du lịch cộng đồng, tiêu biểu là bản Pắc Ngòi, Bó Lù… (Ba Bể); đây là các bản của người Tày, Dao, Mông. Khách du lịch đến đây được sinh hoạt, được tham gia các hoạt động nương rẫy cùng với người dân, được thưởng thức các đặc sản địa phương cùng với người dân (cơm lam hồ Ba Bể, xôi đăm đeng, bánh khẩu sli, cá suối nướng…). Các sản phẩm du lịch này đang được các công ty lữ hành liên kết hợp tác rất hiệu quả. – Du lịch lễ hội gắn với nghề thủ công truyền thống: Bắc Kạn có một số nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, nghề nấu rượu, nghề nuôi trồng (chè shan tuyết, cá tầm…); và một số lễ hội tiêu biểu như lễ hội Lồng Tồng, hội xuân Ba Bể, hội chợ văn hóa truyền thống Xuân Dương… Đây là những địa điểm tham quan, trải nghiệm cho du khách; đồng thời cũng là nơi sản xuất các mặt hàng lưu niệm, quà tặng, giới thiệu ẩm thực…, cho khách du lịch. – Du lịch tìm hiểu văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc: Trải nghiệm qua phong tục, tập quán, sinh hoạt, lao động sản xuất đặc trưng của đồng bào dân tộc; trải nghiệm qua các làn điệu dân ca, dân vũ như: Thưởng thức các làn điệu then, sli, lượn của người Tày – Nùng; múa khèn của người Mông; lễ cấp sắc của người Dao…Với những trang phục độc đáo, rực rỡ đủ sắc màu của các dân tộc. – Du lịch mạo hiểm: Leo núi, khám phá hang động, bơi thuyền trên hồ … 3. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Trong thời gian qua, ngành du lịch Bắc Kạn đã chú trọng trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch như tổ chức các buổi hội thảo, làm việc với các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm tuyên truyền các chính sách của tỉnh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Ngành du lịch Bắc Kạn cũng đã tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, liên hoan du lịch trong nước và quốc tế, qua đó tuyên truyền những tiềm năng, thế mạnh và cơ chế chính sách đầu tư của tỉnh; phát hành, xuất bản các ấn phẩm du lịch (đĩa VCD, tập gấp, bản tin, catalog) để tuyên truyền quảng bá trong và ngoài nước;xây dựng chuyên mục du lịch phát sóng trên đài phát thanh truyền hình Bắc Kạn về các chuyên đề du lịch văn hóa, lễ hội cổ truyền, du lịch làng quê, du lịch về các bản làng dân tộc; dựng biển quảng cáo tấm lớn để đưa hình ảnh du lịch Bắc Kạn đến với du khách trong nước và quốc tế tại các cửa ngõ vào tỉnh Bắc Kạn. 4. Công tác đầu tư xúc tiến du lịch Hiện tại, Công ty du lịch Sài Gòn – Ba Bể đầu tư 132 tỷ xây dựng khu nghỉ dưỡng tại vườn Quốc gia Ba Bể; Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường hỗ trợ nâng cấp mô hình du lịch Homestay tại Ba Bể và xây dựng hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới Ba Bể – Na Hang, tiến tới đầu tư 7.000 tỷ xây dựng khu du lịch Ba Bể kết hợp với xây dựng tuyến đường mới vào hồ Ba Bể (khoảng 40km). Nâng cấp đường 254 thành Quốc lộ 3C nối Định Hóa – Ba Bể. Chuẩn bị khởi công tiếp Quốc lộ 3 mới nối đoạn Chợ Mới – Bắc Kạn. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang mời gọi các tổ chức, cá nhân, các Doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đầu tư xây dựng dịch vụ phục vụ du lịch, như: Khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn, khu thương mại…tại thành phố Bắc Kạn và hồ Ba Bể. Ảnh Cửa Động Puông – Hồ Ba Bể Ảnh Đảo Bà Góa – Hồ Ba Bể Ảnh Hồ Ba Bể Ảnh Hồ Ba Bể Ảnh Động Hua Mạ – Ba Bể Ảnh Động Hua Mạ – Ba Bể Ảnh Hang Thẩm Phầy – Ba Bể Ảnh Hang Thẩm Phầy – Ba Bể SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH BẮC KẠN Địa chỉ: Tổ 5, Phường Đức Xuân, Thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn Điện thoại: 0209 3872 652 (Fax 0209 3872 652). Email: svhttdl@backan.gov.vn TRUNG TÂM THÔNG TIN XÚC TIẾN DU LỊCH Địa chỉ: Tổ 5, Phường Đức Xuân, Thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn. Điện thoại: 0209 3811 379 (Fax: 0209 3811 379 ). Email: ttxtdlbk@gmail.com |
Rát thích