Nông sản Việt loay hoay nâng cao năng lực sản xuất

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập và đặt nhiều kỳ vọng vào xuất khẩu nông sản, việc nâng cao năng lực sản xuất, cũng như xây dựng vị thế thương hiệu trên thị trường quốc tế càng cần được đẩy mạnh. Tọa đàm với chủ đề: “Nâng cao năng lực sản xuất và tiếp cận thị trường quốc tế của nông sản Việt” có sự tham gia của đại diện cơ quản lý và các doanh nghiệp với góc nhìn thẳng thắn sẽ tìm ra giải pháp giúp nông sản Việt Nam đón nhiều cơ hội tại thị trường quốc tế.

Các diễn giả tại tọa đàm. Ảnh: Ngọc Thành.
Các diễn giả tại tọa đàm. Ảnh: Ngọc Thành.

Tận dụng công nghệ từ đối tác quốc tế

Tại Việt Nam, nông nghiệp được xác định là bệ đỡ cho nền kinh tế. Theo các khách mời tham gia tọa đàm gồm ông Vũ Cường, Trưởng phòng phát triển thị trường sản phầm chăn nuôi, Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn và bà Nguyễn Thị Huyền, CEO Công ty Cổ Phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam, sự coi trọng của Chính phủ là động lực tạo ra nhiều thay đổi lớn trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, những doanh nghiệp tham gia ngành này cũng hưởng lợi trực tiếp.

Bên cạnh những sự thay đổi trong nội tại, doanh nghiệp Việt hiện nay có nhiều cơ hội hợp tác với những đối tác quốc tế. Ông Vũ Mạnh Hùng coi đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn để Việt Nam hoà đồng với thế giới. Tại Hùng Nhơn, công ty đã thay đổi cơ chế hợp tác từ nhiều năm nay, chuyển từ hợp tác với các nước châu Á sang sang Mỹ, châu Âu.

Ông Vũ Mạnh Hùng và bà Nguyễn Thị Huyền. Ảnh: Ngọc Thành.
Ông Vũ Mạnh Hùng và bà Nguyễn Thị Huyền. Ảnh: Ngọc Thành.

“Nhu cầu của chúng tôi là liên kết chuỗi trong bối cảnh dịch bệnh và chiến tranh thương mại. Kinh tế năm 2020 khá ảm đạm khiến bản thân doanh nghiệp phải tự tìm lối đi”, ông Hùng nói.

Năm 2020 chứng kiến ảnh hưởng kép từ Covid-19 và chiến tranh thương mại My-Trung khiến mọi ngành nghề gặp khó khăn. Trong bức tranh gam màu tối như vậy, ông Hùng tin rằng việc liên kết chặt chẽ, tin tưởng vào đối tác lớn là cách để doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. “Nếu đứng ở tâm bão 2020 thì sẽ không bị ảnh hưởng nhưng nếu đứng ở rìa cơ bão, chúng ta sẽ bị quét qua và chịu thiệt hại nặng nề do sợ sệt, không chủ động”, ông nói. Việc liên kết với đối tác nước ngoài đem lại nhiều bài học cho công ty Hùng Nhơn nhất là trong việc tận dụng công nghệ.

Tiếp câu chuyện về liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, bà Nguyễn Thị Huyền lại đánh giá đây cách để đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, cả hai cần thống nhất về phương thức, lĩnh vực và nội tại của chính doanh nghiệp để không bị bỡ ngỡ. Bà Huyền khẳng định kinh doanh nông nghiệp rất khó, kinh doanh xuất khẩu càng khó. Hiện Việt Nam có rất ít doanh nghiệp tham gia mảng này nhưng tin vui là có xu hướng tăng lên trong vài năm qua.

Để minh chứng có tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu nông sản Việt thuộc top đầu thế giới với trung bình khoảng 2 tỷ USD một năm, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Riêng trong chế biến, có tới khoảng 7.500 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng 5-7% một năm”. Với hơn 33.000 doanh nghiệp, đây là lực lượng quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của ngành nông sản Việt Nam.

Tăng cường liên kết chuỗi

Khi nói đến sản xuất thì quy mô vùng nguyên liệu, hạ tầng sản xuất, dây chuyền chế biến, bảo quản, logistics, và nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Những yếu tố này tạo dựng sự ổn cho thị trường nông sản, tránh tình trạng “được mùa thì mất giá, mà được giá thì mất mùa”.

Bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam. Ảnh: Ngọc Thành.
Bà Nguyễn Thị Huyền – Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam. Ảnh: Ngọc Thành.

Đó là lý do khiến Công ty Quế Hồi Việt Nam quyết định hợp tác theo mô hình chuỗi giá trị, bằng cách đào tạo trực tiếp cho hộ nông dân, chuẩn hoá ngay từ khâu ban đầu, đồng thời nâng cao máy móc với các nhà máy sản xuất để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, rất ít loại máy móc ứng dụng trong nông nghiệp, đặc biệt là trồng hồi và quế. Vì vậy, doanh nghiệp áp dụng từng nhóm để quản lý hoạt động nhập liệu trong khâu sản xuất, đào tạo cho trưởng, phó nhóm ghi chép thời gian thu hoạch, thăm vườn cho toàn bộ hợp tác xã. “Hoạt động này rất thiết yếu trong chuỗi liên kết bởi truy xuất nguồn gốc lã quan trọng khi xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ”, bà Huyền nói.

Quế Hồi Việt Nam cũng quan tâm đến trách nhiệm xã hội với người dân. Hàng năm công ty hỗ trợ cho nông dân về giống, bao tải đựng hàng, các chương trình phúc lợi xã hội. Trong từng khâu sản xuất, công ty của bà Huyền cũng hạn chế việc xả rác thải ra môi trường như một cách để sản xuất bền vững.

“Đây không phải là trách nhiệm của doanh nghiệp mà nhu cầu thị trường buộc chúng tôi tự nguyện làm điều đó. Chúng tôi xin cấp nhiều giấy chứng nhận quy trình và trách nhiệm xã hội để thuyết phục khách hàng quốc tế”, bà Huyền chia sẻ.

Trong khi đó, Hùng Nhơn vì đặc thù vị trí đặt nhà máy nên 60% lao động tại doanh nghiệp là người dân tộc vì vậy mất nhiều thời gian để đào tạo họ sử dụng máy móc công nghệ. “Toàn bộ quy trình chăn nuôi chúng tôi sử dụng thiết bị từ Đức, Đan Mạch, chuyên gia liên kết với các tập đoàn nước ngoài. Các buổi đào tạo hướng dẫn được thực hiện bởi chuyên gia Đan Mạch. Tập đoàn đi theo hướng giá trị tổng thể, đi theo hướng liên kết chuỗi giá trị, mỗi người làm một mảng, liên kết với hợp tác xã, người nông dân để hình thành dần mắt xích”, ông Vũ Mạnh Hùng cho hay.

Về việc hợp tác với nông dân, hợp tác xã truyền thống, quan điểm của ông Mạnh Hùng là cần bắt đầu từ nâng cao nhận thức của người nông dân. “Người dân dễ dàng phá bỏ hợp đồng hoặc không tuân thủ cam kết. Hùng Nhơn đang bán hàng với giá trung bình và ổn định bởi những đối tác chính của chúng tôi cũng ổn định. Do đó nếu có thể thay đổi điều này, thì doanh nghiệp Việt rất sẵn sàng hợp tác”, ông Hùng nói.

Chất lượng, minh bạch giúp doanh nghiệp đi xa

Đưa ra lời khuyên cho nền nông nghiệp và nông dân Việt Nam, ông Mạnh Hùng cho biết các đối tác châu Âu rất khó tính. Để mời tham gia rất dễ, nhưng để giữ họ ở lại lâu dài với Việt Nam cần nền tảng vững chắc. Đó là sản phẩm phải thật. Không thể giới thiệu một cách nhưng thực tế lại khác xa.

Ông Vũ Cường, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Ngọc Thành.
Ông Vũ Cường, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Ngọc Thành.

Còn bà Nguyễn Thị Huyền khuyên doanh nghiệp cần quan tâm đến sự minh bạch trong tất cả các khâu. Khi có vấn đề xảy ra, phải có đủ thông tin, bằng chứng để trả lời đối tác, khách hàng, thị trường. “Chúng ta có uy tín, chất lượng thì khách hàng sẽ không bao giờ rời bỏ mình”, bà Huyền nói.

Một yếu tố nữa giúp doanh nghiệp tồn tại lâu dài theo ông Vũ Cường, là thương hiệu. Thương hiệu làm nên hình ảnh của doanh nghiệp, gắn chặt với Việt Nam. “Khi ra thế giới, doanh nghiệp nên kinh doanh bằng đạo đức, sự thật thà để đi xa”, ông Cường nhấn mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *